UNESCO khẳng định hang Sơn Đoòng, nằm trong vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, là “Tài sản có giá trị độc đáo toàn cầu”- Outstanding Universal Value – và đề nghị Việt Nam hủy bỏ vĩnh viễn kế hoạch xây dựng cáp treo vào hang Sơn Đoòng. Cho đến nay, khuyến cáo đó của UNESCO vẫn còn nguyên hiệu lực.
UNESCO: cáp treo sẽ tác động tiêu cực đến Sơn Đoòng
Báo cáo và khuyến cáo của UNESCO trong tài liệu kiểm tra, thẩm định và bảo tồn 99 di sản của thế giới nằm tại các quốc gia thành viên, đã được công bố vào tháng 7.2017. Trong đó, Uỷ ban Di sản Thế giới thuộc UNESCO được yêu cầu xem lại các báo cáo về tình trạng bảo tồn các tài sản có trong tài liệu.
Trong phần nhận định về Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, trong đó có hang Sơn Đoòng, Ủy ban Di sản Thế giới cho biết, các báo cáo trước đây đã cho thấy có một số yếu tố tác động tiêu cực đến di sản như các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, các hành vi xâm phạm rừng và hoạt động khai thác gỗ trái phép, sự giảm sút và biến mất của một số động thực vật…
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương và trung ương đều thiếu các kế hoạch quản lý khách du lịch. Kế hoạch Phát triển Du lịch Bền vững đưa ra không đầy đủ, thiếu những cảnh báo về tác động của khách du lịch, các hoạt động vui chơi giải trí, trong đó có dự án làm cáp treo vào hang động Sơn Đoòng.
Đầu năm 2017, UNESCO nhận được báo cáo của Việt Nam, trong đó, phía Việt Nam báo cáo một số thông tin liên quan đến bảo tồn và phát triển quần thể di sản này, đồng thời khẳng định: “Chưa cấp phép cho dự án cáp treo vào hang động Sơn Đoòng, trong khi chờ đợi Đánh giá Tác động Môi trường”.
Báo cáo của Việt Nam cũng cho biết, UBND tỉnh Quảng Bình đồng ý tiến hành nghiên cứu và điều tra để xác định lựa chọn tốt nhất cho phát triển du lịch liên quan đến di sản. Báo cáo của Việt Nam khẳng định: dự án xây dựng cáp treo sẽ chỉ được tiến hành nếu có sự tán thành của Uỷ ban Di sản Thế giới.
Trong diễn biến liên quan, Trung tâm Di sản Thế giới và Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) đã phân tích báo cáo và đưa ra kết luận, đề xuất lên Ủy Ban Di Sản Thế giới. Theo đó:
Việt Nam đã thể hiện nỗ lực tăng cường thực thi pháp luật, nâng cao nhận thức bảo tồn giữa các cộng đồng địa phương và cải thiện bảo tồn đa dạng sinh học tại di sản. Tuy nhiên, thông tin cung cấp chưa đủ để đánh giá hiệu quả của việc thực thi pháp luật, trong khi đó, khai thác và săn bắt trái phép vẫn tiếp tục có dấu hiệu diễn ra.
Dữ liệu cung cấp về các loài động vật hoang dã cũng chưa đủ để đánh giá chính xác tình hình thực tế, số lượng các loài tăng giảm ra sao.
Việt Nam đã xác nhận thực hiện nghiên cứu dự án cáp treo nằm trong khu vực bảo vệ nghiêm ngặt vào hang Sơn Đoòng nhưng cho hay sẽ chỉ tiến hành khi có sự chấp thuận của Ủy ban Di sản Thế giới.
Thế nhưng, động thái UBND tỉnh Quảng Bình đồng ý cho khảo sát và nghiên cứu để thực hiện dự án lại cho thấy dự án xây cáp treo vẫn đang được cân nhắc. Cần lưu ý rằng, việc làm cáp treo đồng nghĩa với khả năng số lượng khách tham quan vào hang tăng mạnh. Điều đó đi kèm các tác động tiêu cực tiềm ẩn đối với môi trường nhạy cảm của hang động. Các hoạt động bất hợp pháp khác cũng có khả năng gia tăng.
Trong khi đó, hoạt động du lịch hang động, hay đi thám hiểm hang động (có giới hạn) hiện tạo ra việc làm cho các cộng đồng địa phương. Du lịch đại trà, với quần thể cáp treo, sẽ khiến nhu cầu lao động của người khuân vác và hướng dẫn địa phương giảm đáng kể.
Vì vậy, Trung tâm Di sản Thế giới và IUCN đề nghị Ủy ban Di Sản Thế giới khẳng định lại mối quan tâm của mình đối với dự án này và các tác động tiềm tàng lên tài sản có giá trị độc đáo toàn cầu, đồng thời yêu cầu Việt Nam hủy bỏ vĩnh viễn kế hoạch phát triển cáp treo.
Dựa trên những đánh giá của Trung tâm Di sản Thế giới và IUCN, Ủy ban Di sản Thế giới đã tái khẳng định mối quan tâm về đề xuất xây dựng cáp treo vào hang động Sơn Đoòng trong khu vực bảo vệ nghiêm ngặt và những tác động tiềm tàng của dự án đến tài sản có giá trị độc đáo toàn cầu, kêu gọi hủy bỏ vĩnh viễn kế hoạch xây dựng cáp treo.
Ủy ban Di sản Thế giới cũng đề nghị Việt Nam mời đại diện của Trung tâm Di sản Thế giới và Đoàn giám sát phản ứng của IUCN đến trực tiếp đánh giá tình trạng bảo tồn, tác động của hành vi săn trộm, khai thác trái phép và các loài xâm lấn từ bên ngoài, cũng như tư vấn cho Việt Nam về du lịch bền vững tương thích với tài sản có giá trị độc đáo toàn cầu, trong đó có hang Sơn Đoòng.
UNESCO yêu cầu Việt Nam nộp bản báo cáo cập nhật về tình trạng bảo tồn di sản cho Trung tâm Di sản Thế giới vào tháng 12.2018, để Ủy ban Di sản Thế giới kiểm tra vào năm 2019.
Tập đoàn FLC liên quan đến đâu?
Những ngày gần đây, tin đồn lan truyền trên mạng xã hội liên quan đến sự việc tập đoàn FLC và tỉnh Quảng Bình đang âm thầm xây dựng cáp treo tại vườn quốc gia dẫn vào hang Sơn Đoòng, đã khiến nhiều người quan tâm đến di sản thiên nhiên Sơn Đoòng bất an, và có rất nhiều ý kiến phản đối dự án cáp treo vào Sơn Đoòng, kêu gọi hủy bỏ mọi dự định liên quan đến xây cáp treo vào Sơn Đoòng.
Trước diễn biến căng thẳng này, tối 26.1, trên một facebook được cho là của tập đoàn FLC đã đưa ra thông báo ngắn, tố cáo tin giả (fake news) cho rằng FLC và chính quyền tỉnh Quảng Bình “âm thầm triển khai dự án cáp treo” đến gần hang Sơn Đoòng, hay “cố tình tung hoả mù” về dự án.
Thông báo ngắn đó cho biết, hiện tại tập đoàn FLC “hoàn toàn không có bất cứ hoạt động khảo sát nào liên quan đến hang Sơn Đoòng hoặc khu vực xung quanh hang Sơn Đoòng. FLC cũng hoàn toàn không có bất cứ hoạt động xây dựng nào liên quan đến các khu vực này từ trước đến nay.”
Đáng chú ý, thông báo cho hay, việc nghiên cứu, khảo sát khu vực xung quanh hang Sơn Đoòng của FLC – theo lời mời của tỉnh Quảng Bình – liên quan đến ý tưởng làm cáp treo đến gần hang, chỉ tiến hành trong vài ngày và đã kết thúc từ tháng 5.2017.
Vẫn theo thông báo, quan điểm của FLC là: “bất cứ ý tưởng, dự án khai thác du lịch nào xung quanh hang Sơn Đoòng sẽ chỉ được chúng tôi cân nhắc khi và chỉ khi đã được Chính phủ và chính quyền địa phương thông qua, cũng như đã được các bộ ban ngành chức năng tại Việt Nam phê duyệt, đáp ứng đầy đủ các nguyên tắc chung khi khai thác di sản trong phát triển kinh tế – xã hội. Và đặc biệt phải nhận được sự chấp thuận từ UNESCO”.
Để làm rõ thông báo ngắn trên có phải của tập đoàn FLC, chúng tôi đã nỗ lực liên hệ với tập đoàn này, tuy nhiên đến nay vẫn chưa liên lạc được người có thẩm quyền phát ngôn chính thức. Trong một diễn biến liên quan, trả lời trên Tuổi Trẻ online ngày 26.1, ông Lê Thanh Tịnh, giám đốc ban quản lý vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (Quảng Bình) cho biết, không hề có chuyện gần đây tập đoàn FLC thực hiện khảo sát làm cáp treo vào hang Sơn Đoòng như những thông tin trên mạng xã hội đang lan truyền.
Ông Tịnh cũng cho biết, thực chất của thông tin này là việc tập đoàn FLC thực hiện khảo sát làm cáp treo vào hang Én, nhưng thời điểm diễn ra vào cuối năm 2016. Sau đó, đến đầu năm 2017, đoàn khảo sát này đã báo cáo phương án xây dựng cáp treo vào hang Én với tỉnh Quảng Bình.
Theo đó, tuyến cáp treo này sẽ dài khoảng 5,1 km từ km37 Đường Hồ Chí Minh (nhánh đông) vào đến hang Én. Từ hang Én đến hang Sơn Đoòng còn cách khoảng 3,5km. Đến tháng 8.2017 khi thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào làm việc với tỉnh Quảng Bình, đồng ý về chủ trương làm cáp treo vào hang Én với điều kiện không làm ảnh hưởng đến di sản và có tham khảo ý kiến của UNESCO.
“Sơn Đoòng không phù hợp với kiểu làm du lịch đại trà, nên không có chuyện làm cáp treo vào đó đâu”, ông Tịnh khẳng định. Ông Hồ An Phong, giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình cũng khẳng định đến thời điểm này tỉnh Quảng Bình chưa hề có ý định làm cáp treo vào Sơn Đoòng.
Mặc dù thông tin được đưa ra từ nhiều nguồn, có độ vênh về nội dung và có điều chỉnh cách giải thích, nhưng dựa vào báo cáo của Việt Nam gửi UNESCO và các thông tin nói trên, có thể khẳng định: UBND tỉnh Quảng Bình muốn triển khai dự án cáp treo và thực tế đã cho khảo sát trong năm 2017. Quy trình khảo sát có thể vào đến hang Én, một hang động lớn cách Sơn Đoòng vài cây số, và được coi là cửa ngõ vào hang Sơn Đoòng. Thông qua một số thông số ghi chú trên các vách đá được cho là trong hang Sơn Đoòng, có thể thấy quá trình khảo sát đã vào đến Sơn Đoòng.
Những người miệt mài cứu Sơn Đoòng khỏi “miệng” cáp treo
Ba năm trước, thông tin xây cáp treo vào Sơn Đoòng từng liên quan đến tập đoàn Sun Group và tạo ra làn sóng phản đối. Tập đoàn này ngay sau đó đã có giải thích trên báo chí: “Tập đoàn chưa biết thông tin phản ứng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về dự án cáp treo tại Sơn Ðoòng như thế nào. Tuy nhiên trong trường hợp UNESCO đồng ý cho xây dựng cáp treo thì chưa chắc Sun Group đã đầu tư…
Hiện dư luận đang tranh cãi theo nhiều chiều hướng khác nhau. Còn về phía Sun Group, dự án đang trong giai đoạn nghiên cứu, thẩm định đánh giá về lợi nhuận kinh tế sẽ mang lại sau khi dự án đi vào hoạt động nên chưa có gì phải bàn cãi”.
Tháng 2.2015, Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình đến năm 2030. Quy hoạch xác định rõ nguyên tắc: cùng với việc bảo tồn nguyên trạng, vườn quốc gia cũng sẽ gắn bảo tồn di sản với phát triển kinh tế địa phương để đưa di sản Phong Nha – Kẻ Bàng trở thành một trong những vùng du lịch sinh thái hấp dẫn bậc nhất ở châu Á – Thái Bình Dương.
Phê duyệt này, cùng với thông tin tập đoàn Sun Group không tiếp tục nghiên cứu, thẩm định Sơn Đoòng và không có kế hoạch đầu tư cáp treo vào Sơn Đoòng, đã làm làn sóng phản đối xây cáp treo vào Sơn Đoòng giảm nhiệt.
Sơn Đoòng tưởng đã được bình yên với giá trị di sản thiên nhiên thế giới mà UNESCO hai lần công nhận cho Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, và Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh vinh danh Sơn Đoòng là “hang động tự nhiên lớn nhất thế giới”.
Thế nhưng, từ năm 2017 đến nay, một cái tên khác lại nổi đình nổi đám khi nhắc đến cáp treo Sơn Đoòng: tập đoàn FLC của tỷ phú Trịnh Văn Quyết. Phát biểu trên Tuổi Trẻ ngày 4.5.2017, ông Trịnh Văn Quyết cho biết sắp tới FLC sẽ đầu tư xây dựng hệ thống cáp treo Sơn Đoòng nằm trong quần thể di sản Phong Nha – Kẻ Bàng (Quảng Bình).
Theo ông Quyết, hệ thống cáp treo này là “chủ trương, mong muốn của tỉnh”. Trước đây đã có một doanh nghiệp lớn dự định đầu tư vào nhưng sau đó đã… bỏ cuộc. “FLC không có nhu cầu làm nhưng tỉnh đã mời không dưới 3 lần. Chúng tôi đầu tư các dự án lớn khác trong tỉnh nên mới nhận lời. Còn tỉnh muốn kết nối, muốn du khách đến đấy không chỉ nghỉ dưỡng mà còn khám phá Sơn Đoòng để không lãng phí tiềm năng khai thác từ di sản nên mới mời chúng tôi đầu tư cáp treo”, ông Quyết cho biết.
Từ diễn tiến bất ngờ đó, làn sóng phản đối xây dựng cáp treo vào Sơn Ðoòng xâm hại “Tài sản có giá trị độc đáo toàn cầu” tiếp tục bùng lên mạnh mẽ, trong đó dự án #Save Sơn Doong (Cứu Sơn Đoòng) do những người trẻ khởi động, đã miệt mài theo sát các diễn tiến liên quan đến số phận Sơn Đoòng, kịp thời loan báo những thông tin có nguy cơ xâm hại đến Sơn Đoòng cho dư luận biết.
Thành lập từ những ngày đầu tiên khi có thông tin về khả năng hình thành một dự án cáp treo vào tận hang Sơn Đoòng năm 2014, nhóm các bạn trẻ đã dùng rất nhiều cách để lan tỏa ý thức bảo vệ một di sản vô giá của người dân Việt Nam, của đất nước Việt Nam và của nhân loại, không thuộc về riêng tỉnh Quảng Bình hay của bất cứ một tập đoàn nhiều tiền, nhiều quyền nào.
Những ngày đầu năm 2018 khi làn sóng phản đối cáp treo vào Sơn Đoòng tiếp tục bùng lên, cũng là những ngày bận rộn của nhóm các bạn trẻ #Save Son Doong tại Sài Gòn, với dự án trải nghiệm hành trình khám phá Sơn Đoòng qua công nghệ thực tế ảo.
Dự án trải nghiệm này lần đầu tiên được nhóm #Save Son Doong thực hiện tại Đà Nẵng, ngay trước Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), tháng 11.2017, thu hút được khoảng 3.500 cá nhân đến xem, đủ mọi thành phần, lứa tuổi.
Khi tiếp tục thực hiện tại TP.HCM, tháng 1.2018, hàng trăm người – cả Việt Nam lẫn nước ngoài – đã đến trải nghiệm để hiểu hơn về di sản và hưởng ứng lời kêu gọi, tại sao phải bảo vệ di sản, cũng như tìm kiếm một giải pháp phát triển bền vững cho di sản, vừa mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương, vừa bảo tồn cho thế hệ tương lai. Mọi thông tin, hoạt động đều được lan tỏa trên mạng xã hội, đặc biệt là facebook.
“Mạng xã hội là công cụ chính giúp chúng tôi truyền tải thông điệp. Chúng tôi đã tận dụng mạng xã hội theo cách tốt nhất để đánh thức trách nhiệm của mọi người cùng chung tay bảo vệ di sản thiên nhiên, môi trường”, Thiên Hương, một thành viên của nhóm #Save Son Doong chia sẻ.
Hoạt động bền bỉ của nhóm #Save Son Doong, cùng thông tin khảo sát thực hiện dự án cáp treo của tỉnh Quảng Bình và tập đoàn FLC, đã khơi lên sự quan tâm của rất nhiều người với Sơn Đoòng, trong đó có những chiến dịch ký tên phản đối xây dựng cáp treo vào Sơn Đoòng, với hàng trăm ngàn người tham gia.
Điều này cho thấy, bên cạnh những “lớp sóng tin tức” dồn dập mỗi ngày, tưởng chừng nuốt chửng những tiếng kêu gọi yếu ớt bảo vệ di sản thiên nhiên, vẫn có rất nhiều người âm thầm làm việc với niềm tin có thể kêu gọi nhận thức và hành động của mọi người.
Trách nhiệm và nghĩa vụ cuối cùng, liên quan đến khuyến cáo của UNESCO, đang thuộc về chính các cơ quan chức năng của Việt Nam và lãnh đạo tỉnh Quảng Bình, một trong những địa phương từng gián tiếp bị thiệt hại nặng nề về môi trường tự nhiên từ vụ xả thải của nhà máy Formosa và bây giờ đang đối diện trực tiếp với nguy cơ tổn thất về giá trị di sản thiên nhiên do chủ trương xây dựng cáp treo tự mình đưa ra.
Khi bất chấp khuyến cáo của UNESCO, liệu danh hiệu di sản thiên nhiên thế giới của Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, nơi có Sơn Đoòng, có còn nguyên vẹn?
Bài và ảnh: Ninh Hạ | Người Đô Thị
Tour du lịch miền trung | Thuê xe miền trung
Du lịch Phong Nha - Quảng Bình, Du lịch Huế, Du lịch Quảng Trị, Du lịch Đà Nẵng, Du lịch Hội An, ...