“Nóng” ở Phong Nha – Kẻ Bàng!

Kể từ hôm tỉnh Quảng Bình được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý về chủ trương cho phép bổ sung vào quy hoạch Khu du lịch Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng tuyến cáp treo dài 5,2km từ Km37 đường Hồ Chí Minh nhánh đông đến hang Én, hang lớn thứ ba thế giới, dư luận lại nóng lên khi bàn về mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển các di sản cấp quốc gia.

Ai cũng biết rằng, cho dù là di sản vật thể hay phi vật thể thì cũng là tài sản của một quốc gia. Tài sản ấy phải được bảo tồn và để người dân của quốc gia ấy hưởng thụ. Nhưng làm thế nào để đông đảo người dân, tính theo cả về lợi ích vật chất cũng như những giá trị tinh thần, cùng được thụ hưởng lại không hề dễ dàng.

Chuyện xây dựng cáp treo ở các vùng di sản không phải bây giờ mới nóng, mà bất cứ dự án cáp treo nào xuất hiện là dư luận lại nóng lên, cứ như trong lò luyện thép.

Đường vào động Phong Nha

Được mang danh là “Vương quốc hang động”, trong đó có hang Sơn Đoòng nổi tiếng, Quảng Bình đã sánh ngang vai với Quảng Ninh trong lĩnh vực này khi xây dựng thương hiệu du lịch quốc gia, nhưng hiệu quả khai thác nguồn tài nguyên ấy thì cứ như một trời một vực.

Cách đây ít năm, đã từng có Tập đoàn lớn định đầu tư cáp treo tại khu vực này, nhưng rồi không biết vì lý do gì mà sau đó đã lặng lẽ rút lui.

Nay Quảng Bình cân nhắc lại giữa mục tiêu bảo tồn và phát triển, vẫn quyết tâm xây dựng tuyến cáp treo, nhưng điểm cuối chỉ đến hang Én, còn cách hang Sơn Đoòng 2km.

Khi đề cập đến vấn đề này, nhà sử học Dương Trung Quốc đã kể lại nỗi lo lắng của việc bảo tồn di sản trong câu chuyện xây dựng cáp treo ở Yên Tử. Khi ấy, nhiều người phân vân khi có cáp treo sẽ làm mất đi sự linh thiêng vốn là vô giá ở nơi đây, bên cạnh đó là vấn đề bảo vệ môi trường khi lưu lượng sẽ lên đến hàng triệu người. Ông đặt câu hỏi: “Trên đường hành hương lên núi Yên Tử, có một di sản rất quý là hàng cây tùng cổ. Ta cứ tưởng tượng từng ấy con người, đi theo đường bộ, thì từng ấy bàn chân giẫm đạp lên đấy, đến hôm nay hàng cây tùng khó mà gìn giữ được. Chưa nói đến những tác động hủy hoại vô ý thức. Rồi từng ấy con người không thể không tính đến nhu cầu ăn uống và xả thải. Cả hai cái đấy đều gây ô nhiễm môi trường. Rác và chất thải sẽ gây ngập ngụa như thế nào?”.

Và mới đây, khi trả lời phỏng vấn của Tạp chí Reatimes, ông đã thở phào nhẹ nhõm và nhận xét: “Rõ ràng cho đến hiện tại, việc ứng dụng cáp treo phần nào xóa đi được những lo lắng ban đầu”.

Nhiều người lớn tuổi do điều kiện sức khỏe không thể leo bộ lên những độ cao lớn như nóc nhà đất nước – đỉnh Fansipan. Nhà báo Phạm Huy Hoàn, hơn bảy mươi tuổi, cuộc đời đã ngang dọc nói: “Cảm ơn lắm những người làm cáp treo này. Nếu không, thì tôi đã vĩnh viễn hết cơ hội lên đây!”.

GS.TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, bày tỏ rất thẳng thắn: “Theo quan điểm của tôi, việc xây dựng cáp treo ở Phong Nha – Kẻ Bàng là một chủ trương tốt” và phân tích có 3 yếu tố đáng quan tâm. Thứ nhất, trong điều kiện hiện nay, đưa cáp treo về Quảng Bình sẽ giúp nơi đây phát huy được nội lực về tài nguyên du lịch, nhất là tài nguyên về hang động. Thứ hai, cáp treo sẽ tạo điểm nhấn để Quảng Bình thu hút du khách. Thứ ba, từ cáp treo có thể kéo theo các điều kiện khác phát triển và thúc đẩy kinh tế địa phương. Bởi hiện nay, trong chuỗi các di sản dọc đất nước thì Quảng Bình là một mắt xích yếu, chưa kết nối được với các điểm di sản của địa phương khác từ Huế vào đến Hội An.

Ông tâm sự: “Tôi từng đến động Thiên Đường nằm trong hệ thống hang động Phong Nha – Kẻ Bàng, phải nói là rất vất vả. Nếu có cáp treo thì nhiều người sẽ có cơ hội được tới đây chiêm ngưỡng vẻ đẹp của tạo hóa ban tặng cho mảnh đất này, đưa du lịch Quảng Bình cất cánh. Tuy nhiên, cũng phải tính đến việc chúng ta làm cáp treo thì quan trọng sau đó phải làm dịch vụ thế nào để giữ chân du khách, chứ không thể để họ sáng tới du lịch, tối lại về Quảng Nam, Đà Nẵng thì cũng công cốc”.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, về cơ bản, Quảng Bình vẫn là địa phương còn nhiều khó khăn, thách thức, đồi núi chiếm diện tích lớn, thiên tai khắc nghiệt, kinh tế quy mô nhỏ, môi trường đầu tư kinh doanh chỉ ở mức trung bình so với cả nước. Đời sống người dân còn khó khăn, số hộ nghèo còn cao. Thủ tướng nêu rõ, Quảng Bình cần cơ cấu lại các ngành kinh tế, dịch vụ hóa nền kinh tế, lấy du lịch làm nền tảng để phát triển. Trước hết, Quảng Bình cần nâng cao chất lượng quy hoạch, cải cách các thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.

Nguyễn Long Vân

Nguồn: http://petrotimes.vn/nong-o-phong-nha-ke-bang-498784.html


Tour du lịch miền trung | Thuê xe miền trung

Du lịch Phong Nha - Quảng Bình, Du lịch Huế,  Du lịch Quảng Trị, Du lịch Đà Nẵng, Du lịch Hội An, ...